Đức Cơ là một huyện biên giới, thuần nông sản xuất nhiều loại cây trồng vật nuôi mang tính sản xuất hàng hoá phục vụ chế biến trong nước và xuất khẩu. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá cả các loại nông sản xuống thấp nên bà con nông dân chuyển sang đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến lấy tổ. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng hơn 240 nhà nuôi yến với sản lượng hàng năm đạt hơn 2000 kg tổ yến, với giá bán giá bán 18-20 triệu đồng/kg yến thô và 28-30 triệu đồng/kg yến tinh, đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ dân. Sự gia tăng về số lượng nhà nuôi trên địa bàn huyện trong những năm gần đây minh chứng cho tiềm năng của nghề mới. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức khảo sát để quy hoạch vùng nuôi, thành lập hội nuôi yến, làm các sản phẩm OCOP từ tổ yến… nhằm hướng đến phát triển bền vững, đến nay trên địa bàn huyện đã có 2 sản phẩm từ yến sào được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Huyện Đức Cơ có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi chim yến nhờ nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu phù hợp. Để nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thì cần phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Để đảm bảo việc nuôi chim yến theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến môi trường, UBND huyện Đức Cơ đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động dẫn dụ, nuôi chim yến trên địa bàn. Theo đó, các xã, thị trấn tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nuôi chim yến; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xây dựng mới, cơi nới nhà ở thành nhà gây nuôi, dẫn dụ chim yến trong khu dân cư. Cùng với đó, vận động các hộ nuôi chim yến áp dụng biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn chim yến. Một trong những yêu cầu quan trọng là quản lý chất lượng an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm yến sào, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm yến sào của địa phương và nhãn hiệu chứng nhận Yến sào Đức Cơ
1. Loài chim yến ở Đức Cơ
- 1. Nguồn gốc
Chim Yến có tên khoa học là Collocalia Fuciphaga Germaini Oustalet 1871. Chim yến thuộc họ nhà yến (Apodidae), gồm 2 phân họ chính là chim yến nguyên thủy (13 loài chim Cypseloidinae) và chim yến ngày nay (79 loài chim Apodidae). Sở dĩ có tên khoa học như vậy bởi chân của chim yến rất ngắn (apous dịch ra từ tiếng Hy Lạp là “không có chân”).
Chim yến ở Đức Cơ là loài Aerodramus fuciphagus (gọi là yến nhà), sinh sống trong nhà phân bố từ Thanh Hóa đến Cà Mau, các tỉnh Tây Nguyên từ Bình Phước đến Đắc Lắc. Chim yến ở Đức Cơ phần lớn có nguồn gốc từ Campuchia di chuyển đàn theo nguồn thức ăn. Do tập tính di chuyển sau mỗi chu kỳ sinh sản nên chim yến di chuyển từ vùng này sang vùng khác tìm kiếm thức ăn.
Hình 1: Loài chim yến ở Đức Cơ
1.2. Thông tin và đặc điểm chung về con chim yến nuôi ở huyện Đức Cơ
* Khối lượng, kích thước
Chim yến nhà trưởng thành có khối lượng trung bình là 12,3 - 13,0g. Lông chim phần trên thân có màu đen hơi nhạt, phần dưới có màu xám đen hoặc nâu đen, hông có vệt nâu xám, lông đuôi màu đen, ngăn cách giữa phần lưng và phần đuôi là lông màu xám, móng chân màu hồng hoặc màu nâu đen. Mắt màu nâu đen hạt nhãn, cằm màu nâu xám bạc tạo thành vòng cườm. Mỏ màu đen có chiều dài 4,5mm, miệng rộng 6mm và há miệng đến mắt, đầu có chiều dài 24mm. Cánh của chim yến có chiều dài trung bình 93,30mm, lông đuôi có chiều dài trung bình 45,2mm.
* Ngoại hình
Về ngoại hình, chim yến gây ấn tượng với đôi chân rất ngắn. Chân của chim yến cũng như các loài khác trong họ nhà chim là chân có 4 ngón, chiều dài cẳng chân 11mm, ống chân 17mm, móng chân 7mm. Chim yến sử dụng đôi chân để bám giá thể như: vách đá, bờ tường, giá gỗ. Chim yến không đậu trên các cành cây, dây điện. Do vậy, trong quá trình phát triển tiến hóa của mình, chim yến phát triển bộ móng chân để thích nghi với đời sống đeo bám..
Chim yến khoác lên mình bộ lông màu hơi nâu hoặc đen. Nhìn chung con cái và con đực không có nhiều điểm khác biệt. Loài chim này sở hữu phần thân dạng hình thoi cùng sải cánh rộng lớn. Nhờ vậy mà chúng bay lượn một cách thoải mái và có khả năng săn mồi cực kỳ lợi hại trong khi bay.
Hình 2: Tổ chim yến nhà
* Tập tính
Tuy có đôi chân ngắn nhưng bù lại chim yến có bộ móng vuốt cong và sắc nhọn, cho phép chúng bám chắc trên nhiều bề mặt khác nhau kể cả vách núi dựng đứng hiểm trở. Chim kết tổ bằng nước bọt của chính mình và bắt đầu sinh sản. Tổ yến bám chắc trên bề mặt vật liệu cứng cáp như đá, xi măng.
Chim yến ở Đức Cơ sống thành từng đàn gồm nhiều cá thể. Từ mờ sáng chúng đã ríu rít gọi bầy rủ nhau đi kiếm ăn tại các vùng sông núi, ruộng đồng, rừng già. Thức ăn chủ yếu của chúng là mật hoa và các loài côn trùng. Đặc biệt, chim yến chỉ uống sương trời chứ không tìm đến các loại nước ao hồ nhiều tạp chất.
* Sinh sản
Bước vào kỳ sinh sản, chim yến mới trưởng thành cùng với chim mái làm tổ chung, những cặp đã trải qua sinh sản rồi thì việc làm tổ là cả 2. Chim yến làm tổ bằng nước dãi của chúng tiết ra từ hai tuyến nước bọt ở dưới lưỡi hai bên má. Vào thời kỳ sinh sản thì tuyến nước bọt phát triển mạnh phình to ra hai bên má. Khi vào mùa làm tổ, mỗi đôi chim yến chọn cho mình một chỗ thích hợp và cùng nhau xây dựng tổ treo sát vào khuôn dầm trần nhà hoặc trên vách tường vuông góc với trần nhà. Mục đích làm tổ là để đẻ trứng, sau khi đi kiếm ăn về nghỉ 30 - 60 phút rồi bắt đầu làm tổ. Chim yến dùng miệng tiết nước bọt ra để làm tổ, dùng mỏ quẹt kéo thành sợi đan thành tổ. Chim yến làm nhiều nhất vào lúc 21h00 đêm đến 4h00 sáng hôm sau. Thỉnh thoảng chim yến về lúc giữa trưa và cũng làm tổ vào lúc 11h00 - 13h00, rồi đi kiếm ăn tiếp. Chim làm tổ cho đến khi đẻ trứng thì chúng dừng lại, tuy nhiên thỉnh thoảng chúng vẫn quẹt vào chân tổ để gia cố cho tổ vững chắc. Thời gian chim làm hoàn thành tổ trung bình 45 ngày. Tổ làm hoàn toàn bằng nước bọt màu trắng hình bán nguyệt, kích thước tổ trung bình để chim đẻ trứng là R = 45mm đến 50mm.
Sau khi làm tổ xong chim bắt đầu giao phối, chim thường giao phối trước khi đẻ trứng 5 đến 8 ngày, sau khi đẻ trứng thứ 2 thì không giao phối nữa. Chim yến thường chỉ đẻ 2 quả trứng màu trắng, kích thước trung bình 21,26 x 13,84mm, trọng lượng 2,25g, vào lúc sáng sớm (khoảng lúc 2h00 - 4h00 sáng), thời gian đẻ giữa trứng 1 và trứng 2 khoảng 2 - 6 ngày. Từ khi đẻ trứng đầu tiên, ban ngày chim trống và chim mái luân phiên nhau ấp trứng và đi kiếm ăn; vào ban đêm thì một con ấp, con còn lại bám trên thành tổ, chúng cũng hay đổi ca ấp cho nhau, một đêm đổi ca ấp khoảng 4 - 5 lần. Khi ấp chim thường dùng mỏ để đảo trứng cho đều.
Sau khoảng 21 - 25 ngày thì trứng đầu tiên nở. Thời gian nở của trứng thứ nhất và trứng thứ 2 cách nhau khoảng 2 - 4 ngày. Khi chim con vừa nở ngày đầu tiên, chim bố mẹ không cho ăn mà nằm ấp ủ ấm cho chim con 1 - 2 ngày, sau đó đi kiếm ăn về cho chim con ăn. Khi đi kiếm ăn thì cả chim bố và mẹ đều bay đi. Tuy nhiên, vào giữa trưa thì có 1 con bay về cho con ăn và nằm ủ ấm cho chim con. Sau khi nở 5 ngày chim bố mẹ khi bay về cho ăn vẫn ấp ủ ấm cho chim con. Ở tuần đầu tiên số lần chim bố mẹ cho chim con ăn trong ngày khoảng 3 lần, chim bố mẹ chủ yếu cho chim con ăn vào buổi sáng khoảng 6h00 và buổi chiều khoảng 18h00. Ở tuần thứ 2 số lần chim bố mẹ cho chim con ăn trong ngày khoảng 4 lần, lúc này chim con mọc lông tơ nhưng chưa nhiều. Ở tuần thứ 3 số lần chim bố mẹ cho chim con ăn trong ngày khoảng 5 lần, chim con mọc lông tơ nhiều hơn và lông đậm hơn. Ở tuần thứ 4 và 5 số lần chim bố mẹ cho chim con ăn trong ngày khoảng 6 lần, giai đoạn này chim con mọc lông đầy đủ ở các bộ phận (đuôi, cánh,…) và đã đu tổ được, có khả năng đeo tổ tự vỗ cánh tập bay cho tới khi tự bay được.
Số lần chim bố mẹ cho chim con ăn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và tùy từng giai đoạn phát triển của chim con, chim con càng lớn số lần cho ăn tăng lên. Chim mẹ mỗi lần cho ăn thường cho 1 con ăn, nếu thức ăn kiếm được nhiều thì cho cả 2 chim con. Mỗi tổ có 2 chim con, trong khi chim mẹ cho chim con ăn giữa chúng có sự cạnh tranh giành mồi mớm từ mẹ. Giữa 2 chim con sự phát triển không đồng đều. Thời gian nuôi con kéo dài khoảng 40 - 48 ngày (trung bình là 45 ngày). Có một số chim non rời tổ sớm 35 ngày thường xảy ra đối với tổ 1 con do chim bố mẹ cung cấp đầy đủ thức ăn nên chim non sinh trưởng nhanh hơn tổ 2 con với lượng thức ăn ít và chim non thường xuyên tranh giành mồi.
- 3. Đặc điểm sinh học của chim yến Đức Cơ
Âm sinh học chim yến: Cũng như bất kỳ một loài sinh vật nào, chim yến cũng có “ngôn ngữ riêng” của mình. Có tiếng chim mẹ, chim con, chim trống, chim mái tiếng gọi bạn tình, tiếng gọi bầy, tiếng đấu tranh… Tần số âm thanh mà loài yến phát ra rơi vào khoảng 1 - 16KHz, tập trung nhất ở khoảng 2 - 5KHz, hoàn toàn nằm trong khoảng tai người có thể nghe được. Chim yến trưởng thành phát ra khoảng 12 tiếng kêu khác nhau vào các thời điểm khác nhau và việc phân biệt được âm thanh của chim yến nhờ vào phân tích âm phổ của âm thanh thu được.
Âm thanh chim con đòi thức ăn từ chim mẹ: Khi chim bố mẹ đi kiếm ăn về, vừa đặt chân lên tổ thì chim con sẽ phát ra tiếng kiêu liên tục đồng thời há miệng to để chim bố mẹ mớm mồi. Tiếng kêu kết thúc khi chúng đã ăn no. Những chim con còn nhỏ nên chúng chỉ phát ra một loại âm thanh duy nhất là âm thanh đòi thức ăn từ chim bố mẹ. Các chim yến con khác nhau nhưng cùng phát ra một phổ âm thanh giống nhau.
Chim yến đi kiếm ăn theo tiếng gọi của bầy đàn. Chính vì vậy mà vào mỗi sáng sớm khi một chim rời khỏi tổ, bay lượn xung quanh gian nhà và đồng thời phát ra tiếng kêu thì tất cả những con chim khác rời tổ, bay lượn xung quanh gian nhà và phát ra những âm thanh ríu rít. Chúng lượn khoảng 4 - 5 vòng thì cùng nhau rời khỏi nhà bay đi kiếm ăn. Âm thanh gọi nhau đi kiếm ăn vào buổi sáng của chim yến nhà có đặc điểm: âm thanh thường có nhiều nhịp, mỗi nhịp kéo dài từ 1,78 - 2,3 giây, tần số âm thanh từ 2-10kHz, âm sắc rất phong phú và đa dạng.
Chim yến đi kiếm ăn về, chúng chưa bay vội vào nhà mà lại lượn vòng quanh cửa ra vào của nhà và đồng thời phát ra tiếng kêu ầm ĩ, kêu gọi nhau cùng vào tổ của mình. Âm thanh gọi nhau vào nhà vào chiều tối và âm thanh gọi nhau đi kiếm ăn vào buổi sáng của chim yến nhà có tần số âm thanh đều nằm trong khoảng từ 2-10kHz, âm thanh thường có nhiều nhịp, mỗi nhịp kéo dài trung bình 1,8 giây, âm sắc cũng rất phong phú và đa dạng.
Âm thanh dò đường của chim yến: Chim yến trong phòng tối đã định vị bằng âm thanh dội để tránh vật cản và xác định vị trí ở của nó. Âm thanh này nghe giống như một chuỗi tiếng “cạch, cạch”, phát ra liên tục. Âm thanh này có tần số, biên độ và cao độ khác nhau cho mỗi cá thể chim yến. Có dải tần phổ biến nằm trong khoảng từ 2kHz - 8kHz. Mỗi cá thể chim yến phát ra âm thanh có tần số riêng biệt. Khi phát ra gặp vật cản nó sẽ dội lại để chim nghe và thấy được vật cản trước mắt để tránh đi. Khi về nhà chim yến sẽ phát ra âm thanh tìm tổ. Mỗi tổ có một cấu trúc riêng tất nhiên sẽ cho ra âm phản hồi đặc trưng cho nó mà chỉ có chim làm ra tổ đó mới nhận biết được. Vì vậy, mỗi cá thể chim yến sẽ dễ dàng nhận ra tổ của mình ở chỗ nào.
Chim yến nuôi trong nhà sinh sản quanh năm vì các cá thể không sinh sản cùng lúc như chim yến ở đảo; có những tháng tỷ lệ chim sinh sản cao hơn các tháng khác và tạo thành một số đỉnh trong năm. Số lần làm tổ và đẻ trứng của chim yến phụ thuộc vào phương pháp thu hoạch tổ, nếu sau khi chim làm xong tổ và chuẩn bị đẻ lần đầu, ta khai thác tổ không cho chim đẻ, ấp nở và nuôi chim con thì chim yến sẽ lập tức làm tổ lại. Chim yến có thể làm tổ nhiều lần. Tuy nhiên, không nên khai thác tổ quá mức sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng quần thể chim yến
2. Yêu Cầu
Nhiều năm gần đây, số lượng loài chim yến nhà ở Gia Lai nói chung và Đức Cơ nói riêng đang ngày càng tăng lên. Điều này thực sự rất thuận lợi cho phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà ở Đức Cơ; giúp mở ra một ngành nghề mới. Tuy nhiên để nuôi chim yến một cách hiệu quả cần đảm bảo các điều kiện sống phù hợp với chim yến nhà, cụ thể:
+ Nhiệt độ không khí nằm trong 27 – 310C;
+ Độ ẩm không khí từ 70 – 85%;
+ Ánh sáng lý tưởng trong nhà yến nhỏ hơn 0,2 lux;
+ Chim yến nhà sống thành quần đàn, không sống riêng lẻ; chim yến làm tổ ở nơi đảm bảo an toàn, che khuất, ít sự đe dọa của thú ăn mồi.
Vùng kiếm ăn của chim yến là những khu vực đồng lúa, đồi núi, rừng cây thấp, nơi đây sản sinh ra nhiều loại côn trùng bay là nguồn thức ăn yêu thích của chim yến.
3. Một số đặc điểm khác của chim yến
Yến có thể giao phối và ngủ trong khi đang bay.
Từ khi xây tổ đến lúc chim non có thể bay được thường diễn ra trong vòng 115 – 132 ngày.
Chim yến nổi tiếng về sự trung thành, một khi yến đã lựa chọn nơi nào làm tổ thì nó sẽ gắn bó suốt cả cuộc đời.
Là một trong những loài chim có tốc độ bay lượn ấn tượng nhất thế giới, có thể đạt tới 130 – 160km/h.
Đây là một trong số rất ít các loài gia cầm không hề bị nhiễm cúm, bởi phần lớn thời gian chúng dùng để bay lượn và thường làm tổ ở trên cao.
Yến lựa chọn những nơi có bóng tối để làm tổ, ở đó cường độ sáng chỉ ở mức 2 lux. Nhờ vậy mà chúng tránh được nhiều kẻ thù là các loài chim khác, dơi hay cú mèo.
Yến thường chỉ lựa chọn những vị trí mà trước đó đã từng có tổ yến.
Đây là loài chim sở hữu khứu giác cực kỳ nhạy bén, chúng có thể đánh hơi và nhận diện những dấu hiệu bất thường dù là nhỏ nhất.
Do sự nhạy cảm của mình nên việc nuôi yến và thu hoạch rất khó khăn. Nếu cảm thấy nguy hiểm, yến sẽ trở nên hoảng sợ, thậm chí đập đầu vào vách đá.
Chim yến sợ nhất là rết, chuột, nhện, mối mọt, gián, kiến lửa đỏ, chim cú mèo, tắc kè…
4. Chất lượng Yến sào Đức Cơ
Yến sào là một trong những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không chịu sự tác động hay chi phối bởi con người. Do đó Yến sào Đức Cơ cũng như các sản phẩm yến sào khác đều có chất lượng và nguồn dinh dưỡng cao. Với nguồn chim yến dồi dào và kỹ thuật nuôi đúng phương pháp, nguồn tổ yến ở Đức Cơ ngày càng lớn và cho năng suất, sản lượng cao.
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất và chế biến yến sào ở Đức Cơ được đầu tư lớn về quy mô, trang thiết bị và đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ chất bảo quản hay chất phụ gia nào. Với mẫu mã đa dạng và theo thị hiếu của người tiêu dùng, nên Yến sào Đức Cơ đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng, sản phẩm ngoài mục đích làm quà còn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng là một thực phẩm nâng cao sức khỏe và có nhiều lợi ích khác đã được kiểm chứng.