Chim yến ở Việt Nam ưa khí hậu ấm áp, mùa đông không quá lạnh. Nhiệt độ sinh sống lý tưởng nhất của chim yến là từ 22 đến 35 độ C, độ ẩm 70 – 85%. Môi trường ấm áp quanh năm sẽ tạo điều kiện để chim yến sinh sản một cách thuận lợi và đều đặn.
Tuy nằm trong vùng nhiệt đới nhưng khí hậu Việt Nam lại có sự khác biệt theo từ vùng. Không nên xây nhà nuôi yến ở khu vực từ phía Bắc đèo Hải Vân trở ra. Bởi miền Bắc có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc. Vùng phía Bắc đèo Hải Vân tuy mùa đông ít hơn nhưng hình thế lại đón trực diện gió mùa Đông Bắc nên vẫn bị ảnh hưởng, kèm theo mưa nhiều.
Cuối năm ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ thường lạnh, nhiều nơi nhiệt độ dưới 15 độ, thậm chí có rét đậm rét hại. Thời tiết quá khắc nghiệt như rét hay mưa nhiều có thể khiến chim chết vì lạnh hay vì đói do không có thức ăn (côn trùng bay). Biên độ nhiệt lớn, khí hậu biến động sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tăng trưởng đàn chim trong nhà.
Trong khi đó, vùng duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng tới Ninh Thuận (phía Nam đèo Hải Vân) cũng tương tự Bắc Trung Bộ nhưng nhiệt độ cao hơn. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khí hậu nhiệt đới xavan với mùa khô và mùa mưa rõ rệt, quanh năm ấm áp, biên độ nhiệt nhỏ hơn so với miền Bắc, khí hậu ít biến động.
Do đó khu vực từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào sẽ phù hợp để xây nhà nuôi yến hơn. Tuy nhiên không phải vị trí nào ở khu vực này xây nhà yến cũng đều thành công. Sau khi khoanh vùng được khu vực tốt còn cần phải xem xét đến nhiều yếu tố khác.
Chim yến rất thích bay lượn ở những nơi thoáng đãng. Do đó khi chọn vị trí xây nhà nuôi yến nên ưu tiên các khu đất rộng, thoáng, ít vật cản trên đường chim bay.
Nguồn nước sạch tự nhiên là một trong những yếu tố cần đặc biệt chú ý khi chọn vị trí xây nhà nuôi yến. Nên ưu tiên xây nhà ở địa điểm gần các nguồn nước sạch tự nhiên như ao hồ, sông suối… Bởi chim yến thường uống nước và tìm thức ăn gần đó. Những nơi không gần nguồn nước sẽ khó khai thác cũng như phát triển đàn chim.
Tuy gọi là yến nhà hay yến nuôi nhưng thực tế chim yến vẫn giữ tập tính tự bay đi kiếm ăn ngoài tự nhiên. Thức ăn của chim chủ yếu là các loại côn trùng, ưu thích nhất là ong, kiến, rồi đến ruồi, muỗi, bọ rùa, cào cào, cánh tơ…
Do đó khi chọn vị trí nhà yến cần chú ý đến nguồn thức ăn. Nên ưu tiên xây nhà gần khu vực nhiều cây cỏ, đồng lúa, ao hồ… Do những nơi này thường có nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến. Tránh xây nhà yến ở những nơi gần nhà máy, nhà xưởng, khu công nghiệp, mức độ đô thị hoá cao… Vì nguồn thức ăn khan hiếm hơn, mặt khác môi trường cũng dễ bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn.
Ngoài ra cũng lưu ý tránh xây nhà yến gần tổ hay những nơi thường có quạ, chim cắt, đại bàng… Bởi các loài chim này ăn thịt chim yến nên yến rất sợ, dễ bay đi nơi khác.
Nơi có nhiều chim sinh sống chính là yếu tố quan trọng quyết định vị trí nhà yến. Lý tưởng nhất nên xây nhà gần đường bay của chim, gần nơi chúng đi kiếm ăn. Điều này giúp chủ nhà dễ dàng sử dụng âm thanh để dụ yến bay vào. Nếu chim yến thấy điều kiện nhà ở phù hợp, chúng sẽ ở lại, càng ngày càng dẫn dụ thêm nhiều chim hơn.
Có hai cách để biết một nơi nào đó nhiều hay ít chim yến. Đầu tiên là quan sát trong tầm bán kính 5 – 7 km quanh vị trí dự định xây nhà, xem có nhà yến nào gần đó không, số lượng chim bay ra bay vào nhiều không.
Thứ hai là sử dụng loa phát tiếng chim để kiểm tra thử. Chim yến có đôi tai vô cùng thính, thậm chí chúng còn dò đường bằng cả âm thanh. Do đó, chỉ cần phát âm thanh dẫn dụ chim, nếu chúng ở gần đó, nhất là đang bay trên tầng mây cao mà nghe thấy sẽ sà xuống ngay.
|
|
|
Hình 1: Chế biến và nuôi Yến sào
Không nên chọn địa điểm nuôi yến ở những nơi quá cao, nhất là cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Thật ra chim yến vẫn sinh sống được ở những nơi cao hơn 1.000m. Tuy nhiên sau khi sinh sản, chim con cũng thường có xu hướng bay đi tìm nơi có độ cao thấp hơn.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, nơi xây nhà yến lý tưởng nên là các vùng cao dưới 500m, tốt nhất là dưới 300m so với mực nước biển. Bởi nếu cao trên 500m mùa đông vẫn khá lạnh, chim con dễ chết, chim bố mẹ cũng có hiện tượng di cư đến nơi nóng hơn. Điều này khiến hàng năm nhà yến sẽ bị thất thoát một lượng lớn chim.
Điều 25, Nghị định 13/2020/NĐ-CP nói về quản lý nuôi chim yến như sau: “Vùng nuôi chim yến do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Vùng nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.”.
Do đó khi chọn địa điểm xây nhà nuôi yến nên tránh thành phố, thị trấn, khu vực dân cư đông đúc… Thay vào đó ưu tiên chọn khu vực nông thôn, thưa dân cư… Như vậy vừa thuận lợi cho việc phát triển nhà yến, vừa không ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.
Huyện Đức Cơ nằm về phía Tây tỉnh Gia Lai có tổng diện tích tự nhiên 72.186,02 ha. Vị trí cụ thể của huyện:
- Phía Bắc giáp huyện Ia Grai;
- Phía Đông giáp huyện Chư Prông;
- Phía Tây giáp tỉnh Ratanakiri (Campuchia);
- Phía Nam giáp huyện Chư Prông.
Huyện có tuyến Quốc lộ 19 đi qua nối thông với tuyến đường 78 phía Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đi tỉnh Ratanakiri (Campuchia), trên địa bàn huyện có Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, một địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu và thương mại biên giới của tỉnh Gia Lai, huyện nằm trong vùng trung tâm của Tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam. Trong đó có tuyến hành lang nối từ cảng biển Quy Nhơn qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh sang nước Campuchia. Ngoài ra, đi qua địa bàn huyện có quốc lộ 14C nối liền tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Kon Tum là trục phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng nối dọc từ Bắc đến Nam với các tỉnh Tây Nguyên.
Nằm trải dài trên sườn Tây của dãy Trường Sơn, địa hình, địa chất toàn huyện khá phức tạp, được hình thành trong nhiều giai đoạn kiến tạo xảy ra mạnh dẫn đến có nhiều đoạn đứt gãy, uốn nếp và chia cắt mạnh với nhiều kiểu địa hình.
- Mùa khô thường bị khô hạn kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trong mùa khô gió thịnh hành theo hướng Đông Bắc. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 chiếm 80 - 90% lượng mưa cả năm, đồng thời cũng có gió mùa thổi theo hướng Tây Nam.
- Nhiệt độ trung bình năm 25ºC; độ ẩm trung bình năm 85%. Lượng bức xạ dồi dào (trung bình khoảng 140Kcal/cm²/năm) nhưng có sự khác biệt theo mùa. Mùa khô có bức xạ mặt trời cao, thời kì có bức xạ cao vào tháng 4 và tháng 5 (đạt 400 – 500 cal/cm²/ngày). Mùa mưa có bức xạ mặt trời thấp hơn, cường độ bức xạ cao nhất đạt 300 – 400cal/cm²/ngày.
- Lượng mưa trung bình hàng năm trên địa bàn huyện từ 1.600 – 2.000mm tương ứng lượng nước mưa khoảng 1,6– 2,0 tỷ m³/năm. Lượng nước mưa phân bố không đều giữa các mùa và tập trung chủ yếu vào các tháng 5 – 11.
Kinh tế của huyện tiếp tục có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2016-2020 ước đạt 13,5%/năm. Trong đó, khu vực các ngành nông-lâm-thuỷ sản đạt tốc độ tăng trưởng 5,1%/năm.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối khá và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực đã tác động mạnh mẽ tới thu nhập của người dân trên địa bàn huyện những năm vừa qua. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 theo giá hiện hành đạt 40,23 triệu đồng/người/năm, tăng 12,05 triệu đồng so với năm 2015.
Năm 2021, cơ cấu kinh tế của huyện:
- Nông nghiệp chiếm 40,74%.
- Thương mại dịch vụ chiếm 39,08%.
- Công nghiệp – xây dựng chiếm 20,17%.
Năm 2021, dân số huyện Đức Cơ có 78.645 người, tỷ lệ nữ chiếm 50,1%, mật độ dân số bình quân của huyện là 109 người/km2, trong đó thị trấn Chư Ty cao nhất 872 người/km2; thấp nhất là xã Ia Pnôn 43 người/km2. Dân cư nông thôn chiếm 83% tổng dân số toàn huyện.
Đặc điểm dân cư: dân cư trên địa bàn bao gồm 2 dân tộc chính là dân tộc Kinh (trên 55%) và dân tộc Jrai (khoảng hơn 44%), các dân tộc khác chiếm tỷ trọng nhỏ chưa tới 1%. Với đặc điểm truyền thống về đời sống văn hóa và sinh hoạt khá đặc thù, dân tộc Jrai trong khu vực cần có những thích ứng, biến đổi – thích nghi phù hợp với điều kiện và nếp sống mới nhưng vẫn giữ gìn, bảo tồn được những nét truyền thống văn hóa và bản sắc riêng của dân tộc trên địa bàn.
Khu vực thị trấn Chư Ty tập trung chủ yếu là dân tộc Kinh (chiếm trên 90%), các xã hầu hết đều có người Kinh sinh sống, riêng các xã Ia Kla, Ia Lang, Ia Kriêng, Ia Pnôn, Ia Dơk tập trung đông người Jrai (trên 50%).
Cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động: Trong giai đoạn 2016-2021, có xu hướng giảm cơ cấu lao động ngành nông lâm - ngư nghiệp, tăng cơ cấu lao động ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ. Từ năm 2016 đến nay, số lao động được giải quyết việc làm hàng năm khoảng 400-500 lao động; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 40-45%. Năm 2021, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên là 45.980 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 45% (trong đó nữ là 25%).