Chim yến ở Đức Cơ ưa khí hậu ấm áp, mùa đông không quá lạnh. Nhiệt độ sinh sống lý tưởng nhất của chim yến là từ 22 đến 35 độ C, độ ẩm 70 – 85%. Môi trường ấm áp quanh năm sẽ tạo điều kiện để chim yến sinh sản một cách thuận lợi và đều đặn
Huyện có tổng diện tích tự nhiên 72.186,02 ha với 10 đơn vị hành chính gồm 9 xã và 01 thị trấn (Chư Ty), trên địa bàn huyện có Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, một địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu và thương mại biên giới của tỉnh Gia Lai, huyện nằm trong vùng trung tâm của Tam giác phát triển ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam. Trong đó có tuyến hành lang nối từ cảng biển Quy Nhơn qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh sang nước Campuchia. Ngoài ra, đi qua địa bàn huyện có quốc lộ 14C nối liền tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Kon Tum là trục phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng nối dọc từ Bắc đến Nam với các tỉnh Tây Nguyên. Huyện Đức Cơ có đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa và mang tính chất khí hậu vùng Tây Nguyên.
Nằm trải dài trên sườn Tây của dãy Trường Sơn, địa hình, địa chất toàn huyện khá phức tạp, được hình thành trong nhiều giai đoạn kiến tạo xảy ra mạnh dẫn đến có nhiều đoạn đứt gãy, uốn nếp và chia cắt mạnh với nhiều kiểu địa hình.
Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa khô thường bị khô hạn kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trong mùa khô gió thịnh hành theo hướng Đông Bắc. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 chiếm 80 - 90% lượng mưa cả năm, đồng thời cũng có gió mùa thổi theo hướng Tây Nam. Nhiệt độ trung bình năm 25ºC; độ ẩm trung bình năm 85%. Khí hậu và thổ nhưỡng huyện Đức Cơ rất thích hợp cho việc phát triển nuôi yến sào.
Huyện Đức Cơ hiện có hơn 240 nhà nuôi yến. Năng suất trung bình Yến sào khoảng 10kg/nhà/năm, ước tính sản lượng hàng năm cả huyện trên 2.000 kg. Dự kiến đến năm 2025 phát triển tổng số nhà nuôi gây chim yến lên khoảng 250 nhà, sản lượng khoảng 4.300 kg tổ yến thô/năm (trung bình 1,8 kg/nhà/tháng). Tập trung ở các xã Ia Nan, Ia Dom và Ia Kriêng. Đến năm 2030 ổn định tổng số nhà nuôi gây chim yến, sản lượng khoảng 6.600 kg tổ yến thô/năm (trung bình 2,4 kg/nhà/tháng).
Để đảm bảo việc nuôi chim yến theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến môi trường, UBND huyện Đức Cơ đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động dẫn dụ, nuôi chim yến trên địa bàn. Theo đó, các xã, thị trấn tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nuôi chim yến; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xây dựng mới, cơi nới nhà ở thành nhà gây nuôi, dẫn dụ chim yến trong khu dân cư. Cùng với đó, vận động các hộ nuôi chim yến áp dụng biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn chim yến. Một trong những yêu cầu quan trọng là quản lý chất lượng an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm yến sào, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm yến sào của địa phương và nhãn hiệu chứng nhận Yến sào Đức Cơ.
Yến sào là một trong những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không chịu sự tác động hay chi phối bởi con người. Do đó Yến sào Đức Cơ cũng như các sản phẩm yến sào khác đều có chất lượng và nguồn dinh dưỡng cao. Với nguồn chim yến dồi dào và kỹ thuật nuôi đúng phương pháp, nguồn tổ yến ở Đức Cơ ngày càng lớn và cho năng suất, sản lượng cao.
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất và chế biến yến sào ở Đức Cơ được đầu tư lớn về quy mô, trang thiết bị và đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ chất bảo quản hay chất phụ gia nào. Với mẫu mã đa dạng và theo thị hiếu của người tiêu dùng, nên Yến sào Đức Cơ đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng, sản phẩm ngoài mục đích làm quà còn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng là một thực phẩm nâng cao sức khỏe và có nhiều lợi ích khác đã được kiểm chứng.