1. Nhãn hiệu chứng nhận

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Nhãn hiệu chứng nhận được cấp để chứng nhận sự đáp ứng được với các tiêu chuẩn xác định nhưng không bị hạn chế ở bất kì thành viên nào. Nhãn hiệu chứng nhận có thể được bất cứ người nào sử dụng với điều kiện người đó chứng minh được rằng sản phẩm có liên quan đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định đã được thiết lập.

2. Lợi ích của việc đăng ký NHCN

* Độc quyền sử dụng nhãn hiệu

- Khi đăng ký nhãn hiệu và được cấp văn bằng bảo hộ thì nhãn hiệu sẽ được sử dụng độc quyền. Các bên khác nếu sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký mà không có sự chấp nhận của chủ sở hữu sẽ là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

- Khi trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu thì chủ sở hữu sẽ có các quyền tài sản sau đây: Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật Sở hữu trí tuệ; ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 của Luật Sở hữu trí tuệ ; định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X của Luật Sở hữu trí tuệ.

* Bảo vệ nhãn hiệu khỏi các hành vi xâm phạm

Hành vi xâm phạm nhãn hiệu được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điển hình nhất là hành vi sử dụng logo, nhãn hiệu tương đương trong cùng lĩnh vực. Nếu không đăng ký nhãn hiệu, sẽ rất khó để đòi lại quyền lợi. Ngược lại, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc chống lại hành vi trên.

* Nâng tầm giá trị sản phẩm, dịch vụ

Giả sử sản phẩm có cùng chức năng, đa số người tiêu dùng sẽ ưu tiên cho sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Đây là tâm lý chung của khách hàng khi mua sắm. Bởi lẽ sản phẩm mang nhãn hiệu đăng ký sẽ hạn chế tình trạng làm giả, làm nhái hơn. Đồng thời việc đăng ký bảo hộ cho thấy sự chuyên nghiệp của nhà cung cấp.

* Các quyền của chủ sở hữu khi nhãn hiệu bị xâm phạm

Quyền tự bảo vệ: Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan; khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.