Ở Gia Lai, nuôi yến đã trở thành nghề mới với trên 1.000 nhà yến và đang mang lại nguồn thu khá lớn cho nhiều hộ gia đình.
Phát huy tiềm năng
Gia Lai là tỉnh tiềm năng để phát triển nghề nuôi chim yến. Những năm gần đây, hoạt động dẫn dụ và gây nuôi chim yến đang phát triển mạnh mẽ ở một số địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 1.303 nhà nuôi chim yến với sản lượng khoảng 6.500 kg/năm, trong đó tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Huyện Chư Sê (287 nhà), huyện Đức Cơ (1.218 nhà), thị xã Ayun Pa (166 nhà), Krông Pa (139 nhà), huyện Ia Pa (136 nhà), huyện Chư Prông (97 nhà) và một số địa phương khác.
Để phát triển nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã hướng dẫn bà con phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, trong đó các doanh nghiệp chế biến, phát triển thị trường, bao tiêu sản phẩm giữ vai trò quan trọng.
Ứng dụng công nghệ mới
Quan tâm bộ điều khiển âm thanh sử dụng sóng siêu âm theo thời gian trong ngày, theo mùa sinh sản, bên trong nhà yến sử dụng hệ thống âm thanh hỗn hợp như là âm thanh thực của gia đình nhà yến, lựa chọn hệ thống âm thanh để tạo tiếng kêu phù hợp với tiếng chim yến tại địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã chú trọng xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm từ yến đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với việc thường xuyên tổ chức, giới thiệu, quảng bá thương hiệu qua các hội chợ, triển lãm thương mại, triển khai thương mại điện tử… liên kết các nhà nuôi chim yến cùng xây dựng thương hiệu, tham gia sản phẩm OCOP, phát triển thị trường cho sản phẩm yến để cùng nhau lớn mạnh.
Khắc phục khó khăn
Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho biết: Ngành đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến tổ yến có nhu cầu xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc chủ động tổ chức thực hiện đúng các nội dung của Nghị định thư, Công văn số 8107/BNN-TY ngày 01/11/2022 của Bộ NN-PTNT, Công văn số 2163/TY-HTQT ngày 26/12/2022 và Công văn số 144/TY-TYCĐ ngày 31/01/2023 của Cục Thú y.
Bên cạnh đó, cần hướng tới quản lý nhà yến theo mã định danh, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tổ yến phục vụ cho xuất khẩu, chế biến sâu tổ yến để tăng giá trị sản phẩm, thành lập hội nuôi yến, tham gia Hiệp hội yến sào (đã thành lập Hiệp hội Yến sào Chư Sê, tại huyện Chư Sê và huyện Đức Cơ cũng đang hoàn thiện các thủ tục để thành lập Hiệp hội Yến sào Đức Cơ), tham gia sản phẩm OCOOP … nhằm phát triển bền vững, hướng đến xuất khẩu.