Hiện đang có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến trên cả nước. Trong những năm qua, ngoài sản số lượng hang yến tự nhiên thì số nhà yến tại các địa phương cũng đang có chiều hướng gia tăng tích cực.
Từ báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NB&PTNT), cả nước hiện đang có 23. 665 nhà yến tính đến năm 2022. Các địa phương có số lượng nhà yến nhiều nhất theo báo cáo là Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng…
Cùng với đó, sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam đạt khoảng 180-200 tấn/năm. Tuy nghề nuôi yến tại Việt Nam đang phát triển mạnh và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn là Trung Quốc nhưng công tác quy hoạch, quản lý vùng nuôi, chất lượng tổ yến hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn. Sản phẩm từ yến chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch. “Việc mua bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao”.
Các sản phẩm yến có giá trị của Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới khi mỗi năm nhập khẩu trên 2.000 tấn, chiếm 80% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, hai nguồn chính cung cấp tổ yến chính ngạch cho thị trường Trung Quốc là Indonesia và Malaysia. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch 451,6 tấn tổ yến, trong đó 291,8 tấn đến từ Indonesia và 159,8 tấn đến từ Malaysia.
Là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, môi trường sống thuận lợi, Gia Lai từ lâu trở thành vùng đất tiềm năng của các nhà đầu tư, người làm nghề nuôi yến lấy tổ. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai còn có nguồn côn trùng và thực vật phong phú, đa dạng giúp tạo nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, đa dạng để chim yến phát triển khỏe mạnh, sản xuất tổ yến đạt chuẩn. Ngoài ra, một lợi thế khác của Gia Lai là điều kiện tự nhiên ít biến động, tạo môi trường an toàn cho việc nuôi chim yến. Điều này đặc biệt quan trọng giúp hoạt động nuôi chim yến diễn ra ổn định, bền vững.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 nhà nuôi chim yến với sản lượng khoảng 6.500 kg/năm, trong đó tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Huyện Chư Sê (287 nhà), huyện Đức Cơ (240 nhà), thị xã Ayun Pa (166 nhà), Krông Pa (139 nhà), huyện Ia Pa (136 nhà), huyện Chư Prông (97 nhà) và một số địa phương khác.
Để phát triển nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã hướng dẫn bà con phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, trong đó các doanh nghiệp chế biến, phát triển thị trường, bao tiêu sản phẩm giữ vai trò quan trọng.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ mới cũng được quan tâm như bộ điều khiển âm thanh sử dụng sóng siêu âm theo thời gian trong ngày, theo mùa sinh sản, bên trong nhà yến sử dụng hệ thống âm thanh hỗn hợp như là âm thanh thực của gia đình nhà yến, lựa chọn hệ thống âm thanh để tạo tiếng kêu phù hợp với tiếng chim yến tại địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã chú trọng xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm từ yến đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với việc thường xuyên tổ chức, giới thiệu, quảng bá thương hiệu qua các hội chợ, triển lãm thương mại, triển khai thương mại điện tử… liên kết các nhà nuôi chim yến cùng xây dựng thương hiệu, tham gia sản phẩm OCOP, phát triển thị trường cho sản phẩm yến để cùng nhau lớn mạnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như nhận thức của người dân về quy định của Luật Chăn nuôi chưa đầy đủ, theo đó vẫn còn không ít người dân xây dựng nhà yến trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư trước và sau khi Nghị quyết số 127/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Gia Lai có hiệu lực thị hành.
|
|
Hình 2: Sản phẩm Yến sào tỉnh Gia Lai
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về thủ tục xây dựng nhà yến chưa có hướng dẫn cụ thể, biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở nuôi chim yến chưa quy định đầy đủ dẫn đến tình trạng các nhà yến xây dựng tự phát, không tuân theo quy định dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Trên thực tế, tại địa bàn tỉnh còn có nhiều nhà yến xây dựng tự phát, nhà yến nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi, không có hồ sơ xin phép….
Đức Cơ là một huyện biên giới, thuần nông sản xuất nhiều loại cây trồng vật nuôi mang tính sản xuất hàng hoá phục vụ chế biến trong nước và xuất khẩu. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá cả các loại nông sản xuống thấp nên bà con nông dân chuyển sang đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến lấy tổ. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng hơn 240 nhà nuôi yến với sản lượng hàng năm đạt hơn 2000 kg tổ yến, với giá bán giá bán 18-20 triệu đồng/kg yến thô và 28-30 triệu đồng/kg yến tinh, đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ dân. Sự gia tăng về số lượng nhà nuôi trên địa bàn huyện trong những năm gần đây minh chứng cho tiềm năng của nghề mới. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức khảo sát để quy hoạch vùng nuôi, thành lập hội nuôi yến, làm các sản phẩm OCOP từ tổ yến… nhằm hướng đến phát triển bền vững, đến nay trên địa bàn huyện đã có 2 sản phẩm từ yến sào được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Huyện Đức Cơ có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi chim yến nhờ nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu phù hợp. Để nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thì cần phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ. |
|
Hình 3: Sản xuất Yến sào Đức Cơ |
Để đảm bảo việc nuôi chim yến theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến môi trường, UBND huyện Đức Cơ đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động dẫn dụ, nuôi chim yến trên địa bàn. Theo đó, các xã, thị trấn tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nuôi chim yến; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xây dựng mới, cơi nới nhà ở thành nhà gây nuôi, dẫn dụ chim yến trong khu dân cư. Cùng với đó, vận động các hộ nuôi chim yến áp dụng biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn chim yến. Một trong những yêu cầu quan trọng là quản lý chất lượng an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm yến sào, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm yến sào của địa phương và nhãn hiệu chứng nhận Yến sào Đức Cơ.
Yến sào là một trong những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không chịu sự tác động hay chi phối bởi con người. Do đó Yến sào Đức Cơ cũng như các sản phẩm yến sào khác đều có chất lượng và nguồn dinh dưỡng cao. Với nguồn chim yến dồi dào và kỹ thuật nuôi đúng phương pháp, nguồn tổ yến ở Đức Cơ ngày càng lớn và cho năng suất, sản lượng cao.
|
|
Hình 4: Sảm phẩm Yến sào huyện Đức Cơ
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất và chế biến yến sào ở Đức Cơ được đầu tư lớn về quy mô, trang thiết bị và đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ chất bảo quản hay chất phụ gia nào. Với mẫu mã đa dạng và theo thị hiếu của người tiêu dùng, nên Yến sào Đức Cơ đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng, sản phẩm ngoài mục đích làm quà còn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng là một thực phẩm nâng cao sức khỏe và có nhiều lợi ích khác đã được kiểm chứng.
Dự kiến đến năm 2025 phát triển tổng số nhà nuôi gây chim yến lên khoảng 250 nhà, sản lượng khoảng 4.300 kg tổ yến thô/năm (trung bình 1,8 kg/nhà/tháng). Tập trung ở các xã Ia Nan, Ia Dom và Ia Kriêng. Đến năm 2030 ổn định tổng số nhà nuôi gây chim yến, sản lượng khoảng 6.600 kg tổ yến thô/năm (trung bình 2,4 kg/nhà/tháng).
Vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu dân cư (thôn, làng và tương đương đã được quy hoạch) và ngoài khu vực không được phép chăn nuôi (Khu vực thuộc tổ dân phố thuộc thị trấn và khu quy hoạch trung tâm hành chính xã được UBND cấp huyện phê duyệt);
Đảm bảo thực hiện đúng các quy định về nuôi chim yến: Nhà yến cách khu dân cư tối thiểu 300m; thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày.
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn cho các hộ về mặt thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng nhà yến, thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch và những quy định về vùng nuôi chim yến đã được quy định.
Cùng đó, đẩy mạnh việc triển khai các việc liên quan đến cơ sở chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường, tiếng ồn và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vận động các hộ nuôi yến đầu tư các trang thiết bị vào chăn nuôi cũng như chế biến sản phẩm để đưa ra sản phẩm chất lượng nhất và tăng cường mẫu mã để có những mặt hàng mới.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn hội yến liên kết lại với nhau để tìm hướng đi phù hợp trong thời gian tới để có những sản phẩm chất lượng. Cùng đó, triển khai tới các hộ về việc đăng kí sản phẩm OCOP. Từng bước xây dựng thương hiệu yến sào Đức Cơ tham gia vào các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá sản phẩm yến sào ra thị trường trong và ngoài nước.