1. Tình hình sản xuất

Đức Cơ là một huyện biên giới, thuần nông sản xuất nhiều loại cây trồng vật nuôi mang tính sản xuất hàng hoá phục vụ chế biến trong nước và xuất khẩu. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá cả các loại nông sản xuống thấp nên bà con nông dân chuyển sang đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến lấy tổ. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng hơn 240 nhà nuôi yến với sản lượng hàng năm đạt hơn 2000 kg tổ yến, với giá bán giá bán 18-20 triệu đồng/kg yến thô và 28-30 triệu đồng/kg yến tinh, đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho nhiều hộ dân. Sự gia tăng về số lượng nhà nuôi trên địa bàn huyện trong những năm gần đây minh chứng cho tiềm năng của nghề mới. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức khảo sát để quy hoạch vùng nuôi, thành lập hội nuôi yến, làm các sản phẩm OCOP từ tổ yến… nhằm hướng đến phát triển bền vững, đến nay trên địa bàn huyện đã có 2 sản phẩm từ yến sào được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh..

Để đảm bảo việc nuôi chim yến theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến môi trường, UBND huyện Đức Cơ đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động dẫn dụ, nuôi chim yến trên địa bàn. Theo đó, các xã, thị trấn tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nuôi chim yến; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xây dựng mới, cơi nới nhà ở thành nhà gây nuôi, dẫn dụ chim yến trong khu dân cư. Cùng với đó, vận động các hộ nuôi chim yến áp dụng  biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn chim yến. Một trong những yêu cầu quan trọng là quản lý chất lượng an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm yến sào, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm yến sào của địa phương và nhãn hiệu chứng nhận Yến sào Đức Cơ.

Yến sào là một trong những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không chịu sự tác động hay chi phối bởi con người. Do đó Yến sào Đức Cơ cũng như các sản phẩm yến sào khác đều có chất lượng và nguồn dinh dưỡng cao. Với nguồn chim yến dồi dào và kỹ thuật nuôi đúng phương pháp, nguồn tổ yến ở Đức Cơ ngày càng lớn và cho năng suất, sản lượng cao.

Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất và chế biến yến sào ở Đức Cơ được đầu tư lớn về quy mô, trang thiết bị và đáp ứng tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ chất bảo quản hay chất phụ gia nào. Với mẫu mã đa dạng và theo thị hiếu của người tiêu dùng, nên Yến sào Đức Cơ đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng, sản phẩm ngoài mục đích làm quà còn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng là một thực phẩm nâng cao sức khỏe và có nhiều lợi ích khác đã được kiểm chứng.

  1. Khó khăn trong sản xuất, kinh doanh

Chim yến là động vật hoang dã được quản lý theo quy định tạm thời tại Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, việc quản lý động vật hoang dã có nhiều văn bản pháp luật khác nhau, do nhiều cơ quan quản lý nên gây khó khăn trong việc thực hiện.

Việc gây nuôi yến ở Đức Cơ còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Do vậy, việc quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người còn chưa được đảm bảo.

Quản lý điều kiện nuôi với đối tượng này còn thiếu. Chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính.

Việc quản lý, kiểm soát số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm còn chưa chặt chẽ.

Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá; việc đầu tư vào khâu chế biến còn chưa được chú trọng, chưa có tiêu chuẩn sản phẩm đối với mặt hàng này, nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao.

Kiếm soát dịch bệnh đối với chim yến ở huyện Đức Cơ còn nhiều bất cập. Vấn đề dịch bệnh chưa được nghiên cứu, kiểm soát nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khỏe con người.

Chưa có quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh, quy cách chuồng trại, dinh dưỡng cho thích hợp với từng đối tượng vật nuôi để làm căn cứ ban hành quy định để quản lý.

  1. Định hướng phát triển Yến sào Đức Cơ

Dự kiến đến năm 2025 phát triển tổng số nhà nuôi gây chim yến lên khoảng 250 nhà, sản lượng khoảng 4.300 kg tổ yến thô/năm (trung bình 1,8 kg/nhà/tháng). Tập trung ở các xã Ia Nan, Ia Dom và Ia Kriêng. Đến năm 2030 ổn định tổng số nhà nuôi gây chim yến, sản lượng khoảng 6.600 kg tổ yến thô/năm (trung bình 2,4 kg/nhà/tháng).

Vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu dân cư (thôn, làng và tương đương đã được quy hoạch) và ngoài khu vực không được phép chăn nuôi (Khu vực thuộc tổ dân phố thuộc thị trấn và khu quy hoạch trung tâm hành chính xã được UBND cấp huyện phê duyệt);

Đảm bảo thực hiện đúng các quy định về nuôi chim yến: Nhà yến cách khu dân cư tối thiểu 300m; thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục hướng dẫn cho các hộ về mặt thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng nhà yến, thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch và những quy định về vùng nuôi chim yến đã được quy định.

Cùng đó, đẩy mạnh việc triển khai các việc liên quan đến cơ sở chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường, tiếng ồn và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vận động các hộ nuôi yến đầu tư các trang thiết bị vào chăn nuôi cũng như chế biến sản phẩm để đưa ra sản phẩm chất lượng nhất và tăng cường mẫu mã để có những mặt hàng mới.

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn hội yến liên kết lại với nhau để tìm hướng đi phù hợp trong thời gian tới để có những sản phẩm chất lượng. Cùng đó, triển khai tới các hộ về việc đăng kí sản phẩm OCOP. Từng bước xây dựng thương hiệu yến sào Đức Cơ tham gia vào các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá sản phẩm yến sào ra thị trường trong và ngoài nước.